Nắng nóng, Bệnh Viêm Da Nổi Cục trên Trâu Bò bùng phát mạnh tại Cao Bằng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, từ khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục (LSD) vào tháng 10/2020 đến nay, cả tỉnh có 3.065 con trâu bò mắc bệnh, làm chết 201 con.

Những ngày gần đây, nắng nóng đã khiến bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò có xu hướng lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Bên cạnh đó, việc thiếu thuốc thú y, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh còn hạn chế đã khiến cho loại dịch bệnh này khó kiểm soát.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Bằng, từ khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục vào tháng 10/2020 đến nay, cả tỉnh có 3.065 con trâu bò mắc bệnh, làm chết 201 con.

Khi bị nhiễm bệnh, toàn bộ cơ thể của gia súc sẽ nổi nhiều u, cục lớn khiến trâu bò dần kiệt sức và chết.

Loại bệnh này đã xuất hiện tại 119 xã, phường, thị trấn và lan ra 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong số đó, xuất hiện nhiều nhất tại các huyện Bảo Lâm (653 con), Hòa An (247 con), Bảo Lạc (139 con), Nguyên Bình (189 con)…

Riêng trong tháng 5 vừa qua, do thời tiết nắng nóng dịch bệnh lây lan nhanh, cả tỉnh đã có thêm hơn 1.500 con gia súc mắc bệnh.

Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng nhận định thời gian tới, bệnh viêm da nổi cục vẫn tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh tại các địa phương, số lượng gia súc mắc bệnh sẽ tăng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay thời tiết đang nắng nóng, độ ẩm cao rất thuận lợi cho ve, mòng là vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển mạnh, có tầm hoạt động rộng, rất khó kiểm soát, ngăn chặn, xử lý; số lượng đàn bò được tiêm phòng vaccine phòng viêm da nổi cục đạt tỷ lệ thấp. Mặt khác, đối với những con gia súc mới được tiêm phòng cũng chưa thể sản sinh kháng thể miễn dịch.

Hiện nay, cả tỉnh đang có hơn 200.000 con gia súc, đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi còn hạn chế, gây khó khăn cho việc xử lý, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục đang có chiều hướng xấu, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Sở NN&PTNT Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh lây lan.

Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí mua 40.000 liều vaccine tiêm phòng cho đàn gia súc, đến thời điểm này, đã có khoảng 10.000 con trâu, bò được tiêm vaccine.

Tỉnh dự kiến mua thêm 42.000 liều vaccine, phấn đấu tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn trâu, bò. Sở NN&PTNT tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời, yêu cầu các địa bàn đang có dịch bệnh viêm da nổi cục thực hiện công bố dịch đúng theo quy định; bố trí các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan kéo dài, thực hiện việc tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho trâu bò trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao.

Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (TT&CN) Cao Bằng, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng do các địa phương chưa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch, chưa bố trí kịp thời nguồn kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng. Hơn nữa, lực lượng thú y viên cấp xã còn thiếu, chuyên môn hạn chế; chưa có hệ thống thú y thôn bản, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến tiêm phòng, giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chỉ đạo mang tính hình thức, thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc dẫn đến dịch bệnh lây lan ra diện rộng, việc tổ chức triển khai tiêm phòng vaccine bao vây ổ dịch chậm, đạt tỷ lệ thấp.

Để ngăn chặn dịch bệnh, thời gian tới, Chi cục TT&CN Cao Bằng sẽ tập trung nguồn nhân lực, tăng cường đến các địa bàn cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn về tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò.

Bên cạnh đó, tập trung vào các địa bàn phức tạp có số gia súc mắc dịch bệnh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu; thực hiện tốt khâu phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi.

Chi cục khuyến cáo người dân tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh cho gia súc, nhất là những bệnh thường xảy ra trong mùa nắng nóng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mắc dịch kép ở đàn trâu, bò.

Quốc Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Comments

CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI




Giá thịt heo, lợn