Tự mổ Heo bán: Có vi phạm pháp luật?

Giá heo hơi giảm, khó tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn đã tự giết mổ heo trong chuồng hoặc mua heo về giết mổ để bán cho hàng xóm hoặc giao hàng cho mối quen.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc làm này tưởng chừng như vô hại nhưng thật ra đó là hành vi vi phạm hành chính về thú y và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không được tự giết mổ heo bán

Trong lúc giá heo hơi hạ, khó bán, ông V.V.N. (ngụ xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) rủ hàng xóm là ông P.H. giết mổ vài con heo đang nuôi trong chuồng bán cho bà con trong xóm để ăn và kiếm thêm chút đỉnh lo chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, ông N. bị ông H. ngăn cản khi cho rằng như vậy là vi phạm hành chính về giết mổ động vật cũng như quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó, dẫn đến việc hai bên cự cãi.

Người dân vùng nông thôn vẫn còn thói quen mổ heo nuôi lấy thịt làm thực phẩm và bán cho hàng xóm khi giá heo hơi hạ. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Ngô Văn Định cho rằng, vấn đề pháp lý ông H. đặt ra là chính xác. Nếu cả hai ông tham gia vào việc giết mổ heo sẽ vi phạm Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (gọi tắt Nghị định 90). Cụ thể, tại Điều 20 Nghị định 90 quy định phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với hành vi giết mổ động vật trên cạn trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ nhưng không được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (trừ các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ ở khu vực hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn).

Điều 20 Nghị định 90 cũng quy định phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phạt tiền từ 60-70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

Ngoài ra, Điều 21, 22 và 27 Nghị định 90 quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi người trực tiếp tham gia giết mổ, sơ chế, chế biến không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện. Phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với giết mổ động vật nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) khuyến cáo, việc giết mổ heo trong gia đình nuôi để bán trong thời điểm giãn cách xã hội là không đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực thú y.

Bên cạnh đó, việc tụ tập giết mổ heo, buôn bán trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng vi phạm Điểm c, Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Hành vi này bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Chớ xem là chuyện nhỏ

Việc giết mổ heo để làm tiệc đãi khách khi gia đình có hữu sự hoặc làm thực phẩm ở nông thôn hiện còn khá phổ biến. Điều này pháp luật cho phép nhưng phải tuân thủ các quy định về thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi giết mổ phải chấp hành quy định như: hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Riêng việc giết mổ heo trong gia đình nuôi để bán hay mua heo về giết mổ phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Căn cứ Nghị định 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1-7-2016 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm định thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm và Nghị định 123/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-9-2018 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm.

Luật sư Ngô Văn Định cho hay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chăn nuôi heo nhỏ lẻ của người dân ở những vùng, khu vực được phép chăn nuôi bị ảnh hưởng ít nhiều về giá, vận chuyển ra bên ngoài. Tuy vậy, người dân cũng phải chấp hành các quy định hiện hành về giết mổ, kinh doanh, vận chuyển thịt heo. Một khi vi phạm sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính để công bằng, bình đẳng với những hộ, cơ sở giết mổ tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm.

Đoàn Phú (Báo Đồng Nai)

Comments

CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI




Giá thịt heo, lợn