THỰC TRẠNG SỐ HÓA TRONG CHĂN NUÔI VIỆT NAM #GIAHEOUPDATE
Không thể phủ nhận các công cụ chăn nuôi công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành chăn nuôi. Có rất nhiều ngành đã ứng dụng công nghệ từ sớm và đã mang lại những thành công đáng kể. Thế nhưng, ngành nông nghiệp nước ta nói chung, chăn nuôi nói riêng vẫn chưa thể theo kịp tốc độ phát triển của số hóa. Thời gian gần đây, việc thúc đẩy số hóa trong ngành chăn nuôi ở nước ta đã được quan tâm hơn với những hành động thực tiễn hơn.
Chăn nuôi Việt Nam tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ nông hộ quy mô nhỏ sang công nghiệp, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học. Đây là hướng đi đúng đắn bởi nó không chỉ góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý trang trại chăn nuôi quy mô lớn không hề đơn giản. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, lợi nhuận lớn. Trái lại, nếu quản lý không đúng cách sẽ dẫn đến rủi ro về tài chính, thua lỗ do mất kiểm soát. Thay vì sử dụng các giải pháp truyền thống để quản lý trang trại, nhiều năm gần đây các chủ trang trại đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) bằng việc đưa các thành tựu KHKT tiên tiến bao gồm máy móc, thiết bị, giải pháp, phần mềm hiện đại dẫn đến hiệu quả quản lý, tăng năng suất và chất lượng được nâng cao.
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác... Dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình "số hóa" do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó, nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm.
Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng. Internet, trí tuệ nhân tạo, blockchain... đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể, giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất. Thời gian gần đây, một số địa phương và doanh nghiệp ở nước ta cũng thúc đẩy "số hóa" trong chăn nuôi. Đơn cử như tỉnh Bình Định đang từng bước "số hóa" công tác quản lý vật nuôi và dịch bệnh bằng công nghệ blockchain trên địa bàn tỉnh năm 2021. Đầu tháng 3/2021, để thực hiện việc khai báo và quản lý phần mềm có hiệu quả, Cục Thống kê Bình Định đã phối hợp với Sở NN&PTNT Bình Định xây dựng kế hoạch ph}n công công việc thực hiện phần mềm quản lý đàn chăn nuôi và thông tin dịch bệnh bằng công nghệ blockchain. Theo đó, ngành chức năng sẽ tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia Chương trình.
Từ phần mềm nói trên, các cơ quan chức năng sẽ quản lý được tổng đàn vật nuôi thường xuyên trên địa bàn; Có thông tin nhanh, chính xác về đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi; Quản lý thông tin thống kê; Nắm bắt được tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những giải pháp kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh. Phần mềm cũng sẽ giúp quản lý việc áp dụng an toàn sinh học, tiêm phòng, thức ăn tại cơ sở chăn nuôi, giúp ngành chức năng quản lý về tình hình tiêm phòng, theo dõi được trang trại bị lây nhiễm dịch bệnh, việc xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm và việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh... Người chăn nuôi cũng sẽ nắm bắt cách thao tác ứng dụng trên điện thoại thông minh để báo cáo tình hình đàn vật nuôi, dịch bệnh, tiêu thụ, vận chuyển...
Với doanh nghiệp, có thể kể đến những doanh nghiệp ứng dụng CNC, tự động hóa như Vinamilk, TH True Milk, CP Việt Nam, APA, Mavin... "Resort" bò sữa Tây Ninh của Vinamilk là điển hình của việc áp dụng 4.0. Toàn bộ trang trại sử dụng rất nhiều phần mềm quản lý, từ quản lý khẩu phần, dinh dưỡng, sức khỏe bò bê, đến quản lý đàn, quản lý máy móc thiết bị... Các phần mềm này được tích hợp, liên kết và đưa lên điện toán đám mây, giúp cho việc lưu trữ, phân tích và truy cập luôn dễ dàng, thuận tiện.
Coi công nghệ là "chìa khóa vàng" nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giúp giải phóng sức lao động khỏi một số nghiệp vụ thủ công hàng ngày và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, Tập đoàn TH tiếp tục tiến hành chuyển đổi số khi khởi động Dự án chuyển đổi nền tảng công nghệ lên SAP S/4 HANA vào đầu tháng 3/2021.
Nhà máy Thức ăn Chăn nuôi Bình Phước thuộc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 12/2020 với số vốn 50 triệu USD, được trang bị công nghệ hiện đại tự động hóa cao. Các công đoạn đều do máy móc thực hiện. Nhà máy có quy mô lớn nhưng chỉ sử dụng tổng cộng 38 người từ quản lý, kỹ thuật, bảo vệ, trong đó trực tiếp sản xuất chỉ có 7 người. Tức mỗi công đoạn đều được trang bị công nghệ tự động hóa cao. Ngay cả khâu nhập nguyên liệu vào và xuất thành phẩm ra đều được tự động, không có con người tham gia.
Công ty TNHH Công nghệ Nano Hợp nhất APA cũng là 1 trong số những công ty áp dụng chuyển đổi số sớm nhất. APA đã khởi động dự án chuyển đổi số bằng việc đầu tư phần mềm SAP S/4HANA vào năm 2018 để vận hành và quản trị toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh Thuốc Thú Y của công ty. Ứng dụng SAP là nền tảng quan trọng để APA củng cố năng lực quản trị theo kịp các nền tảng Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 như số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ (Digital Transformation), thừa hưởng kết quả số liệu chuẩn, đúng, tin tưởng để bước đến giai đoạn phân tích dữ liệu (Data Analytics) và cuối cùng là hướng đến môi trường internet kết nối mọi thiết bị (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI)...
Tập đoàn Mavin đặt mục tiêu số hóa hoàn toàn vào năm 2023. Mekovet đã chính thức vận hành thành công Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay ERP SAP S/4HANA từ ngày 05/4/2021, đánh dấu bước chuyển mình của doanh nghiệp. Mekovet là đơn vị thứ 3 của Tập đoàn Mavin được số hóa với việc ứng dụng ERP SAP S/4HANA. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin - David John Whitehead cho biết, triển khai hệ thống quản trị nguồn nhân lực là một trong những dự án trọng điểm trong chương trình chuyển đổi số của Tập đoàn giai đoạn 2019-2023 với tầm nhìn xây dựng Mavin trở thành doanh nghiệp số sáng tạo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Trong chương trình chuyển đổi số, Mavin đã và đang rất quyết liệt số hóa các ngành sản xuất với việc triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý sản xuất trại heo Porcitec, các phần mềm E-learning, E-Office... để hướng tới số hóa toàn bộ hoạt động của Tập đoàn vào năm 2023.
Dù có nhiều lợi ích, tuy nhiên ngành chăn nuôi nước ta vẫn khó tiếp cận công nghệ số vì thiếu cơ sở hạ tầng (chủ yếu là kết nối internet), kiến thức IT và kỹ năng cần thiết; Chi phí lắp đặt ban đầu vẫn ở mức cao; Người sử dụng không muốn chia sẻ dữ liệu... Song nhiều chuyên gia vẫn tin rằng, "số hóa" chính là tương lai của ngành chăn nuôi. Mavin tự hào là một trong số ít các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam tiên phong ứng dụng CNC trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Không hề nói quá khi khẳng định rằng, Mavin là Công ty duy nhất hiện nay đang áp dụng công nghệ tự động hóa trong ngành chăn nuôi. Công nghệ cao đã và đang giúp Mavin tăng năng suất lao động, kiểm soát tốt chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Số hóa chính là cơ hội tuyệt vời để hiện đại hóa, hướng đến tính chính xác trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Mavin.
Ông Lê Trung Đức, Tổng giám đốc APA phát biểu tại buổi lễ Go Live SAP S/4HANA. |
Ông Lê Trung Đức – Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ Nano Hợp nhất APA cho biết: “APA ứng dụng giải pháp SAP S/4HANA theo thực tiễn thành công (best practice) cho ngành dược, vì vậy chúng ta sẽ được thừa hưởng các quy trình quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế nhằm chuẩn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị điều hành công ty và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra các lĩnh vực mới như Farm, Foods và tiến xa hơn ra thị trường quốc tế. Các bộ phận sử dụng trên cùng một hệ thống với quy trình kết nối và dữ liệu kế thừa giúp các bộ phận làm việc nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời và dữ liệu có tính chính xác cao”.
Chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải coi đó là xu thế tất yếu, là một cơ hội tuyệt vời để tăng tính cạnh tranh và phát triển đột phá và mang lại hiệu quả cao.
Comments
Post a Comment